Vậy là doanh nghiệp của bạn đã phát triển, bạn đã có đủ tiền cho mình nhưng lại bị quá tải vì công việc. Đã đến lúc thuê nhân viên chưa?
Liệu bạn có thể không thuê ai đó?
“Người sản xuất, bán hàng, PR, thiết kế, nghiên cứu… Khi nào tôi có thể thuê một ai đó? Không bao giờ có thể vừa làm việc chăm chỉ vừa có khoảng thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời!” (Ruth, người buôn bán hoa)
Thuê nhân viên đầu tiên là một bước tiến lớn cho doanh nghiệp nhỏ. Về cơ bản, bạn sẽ lo lắng vì:
• Chi phí quá cao
• Thủ tục hành chính
• Tôi không thể tin tưởng ai đó làm việc tốt như tôi
Chi phí: Lương sẽ là một khoản chi tiêu quan trọng. Trước khi cam kết cho nhân viên làm việc toàn thời gian, bạn cần cân nhắc đến việc có thể thuê làm gia công, thuê người làm việc tự do và người làm việc bán thời gian. Có những hạng mục thuế về việc thuê nhân viên, nhưng cũng không bắt buộc.
Tuy nhiên, trước khi thuê nhân viên, bạn cần nhớ:
Tính toán chi phí cơ hội.
Đây là một bài học hữu ích từ nền kinh tế:
Hỏi: Bạn đang vận chuyển hàng – một công việc tốn mất 10 bảng một giờ để thuê ai đó làm. Như vậy có phải là bạn đang lãi 10 bảng không?
Trả lời: Sai! Mục tiêu của bạn là phát triển doanh nghiệp với mức 100 nghìn bảng. Như vậy cần phải có thêm thu nhập khoảng 2 nghìn bảng mỗi tuần, hay là 60 bảng mỗi giờ. Vậy thì mỗi giờ bạn đang làm một công việc mà không giúp doanh nghiệp của bạn tăng lợi nhuận (ví dụ làm sổ sách kế toán, sắp xếp giấy tờ, vận chuyển hàng, sản xuất) thì thực tế bạn đã mất 50 bảng!
Về ngắn hạn thì có vẻ như bạn đang mất một khoản chi phí song về lâu dài, doanh nghiệp của bạn sẽ phát triển.
Thủ tục hành chính: Các chủ doanh nghiệp thường gặp rắc rối với các thủ tục hành chính.
Chúng tôi đang tuyển một giám đốc bán hàng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể sử dụng từ “tham vọng” trong quảng cáo việc làm của mình vì nó sẽ gây ra việc kỳ thị tuổi tác. Thật không thể tin được.
Tuy nhiên, nếu bạn là một ông chủ biết điều và hiểu biết, bạn không cần phải quá lo lắng về điều đó.
Nếu bạn lo lắng về việc sợ bị trái luật, vậy thì bạn nên trở thành thành viên của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với một mức phí hàng năm hợp lý, bạn có thể được tư vấn miễn phí (ở Việt Nam, bạn có thể truy cập trang web: www.hasmea.org hoặc gọi điện đến (043) 32910129/ 39425640).
Tôi không thể tin tưởng ai: Lý do lớn nhất khiến mọi người không thuê nhân viên là nỗi lo mọi việc tồi tệ có thể xảy ra. Tôi có thể nhận thấy điều này từ ví dụ của Ruth ở đầu chương, lý do cô làm điều này là cô không muốn giao quyền. Điều đó sẽ ổn nếu bạn chỉ là doanh nghiệp nhỏ, nhưng sẽ là thiển cận nếu bạn mong muốn phát triển. Nội dung việc phân công nhiệm vụ dưới đây sẽ cho bạn một số cách để giải quyết nỗi lo sợ này.
Những lựa chọn khác: việc thuê ngoài và người làm tự do
Trước khi thuê một nhân viên toàn thời gian, hãy cân nhắc những lựa chọn khác linh hoạt hơn.
Việc thuê ngoài các chuyên gia hoặc người làm tự do có thể khá tốn kém. Tuy nhiên, họ có chuyên môn thành thạo hơn. Bạn cũng nên cân nhắc “chi phí cơ hội” – ví dụ, bạn có thể kiếm được bao nhiêu nếu bạn đi ra ngoài bán hàng và không phải lái xe chở hàng.
Dưới đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhỏ có thể thuê ngoài.
Vận chuyển: Nếu vận chuyển không phải là giai đoạn quan trọng sống còn trong việc củng cố quan hệ với khách hàng, thì hãy thuê người làm việc này.
Ghi chép sổ sách kế toán (xem Chương 20).
Sản xuất: Điều này có vẻ khá khó khăn đối với việc kinh doanh sản phẩm, nhưng bạn phải tự hỏi bản thân – mình có khả năng làm các công việc thủ công cho mỗi sản phẩm hay mình làm tốt ở khâu chọn nguyên vật liệu cho sản phẩm, đóng gói hoặc xúc tiến bán hàng?
McClaggan Smith bán nhiều loại cốc sứ được yêu thích. Họ từng thuê người điều hành lò sứ để làm những cái cốc này. Tuy nhiên, điều này khiến chi phí nhân công của họ khá lớn, rồi vấn đề về thời vụ, kiểm soát chất lượng, v.v… Sau đó, họ bắt đầu chuyển giao sản xuất cho nhà cung cấp chén sứ chuyên biệt và chỉ việc đóng dấu thiết kế và đóng gói tại nhà. Tài năng thật sự của họ là đã tìm ra được những nhà thiết kế tài năng và các kênh bán hàng tốt.
Cần tìm kiếm điều gì ở nhân viên
Nếu bạn đã sẵn sàng thuê nhân viên, có hai quy tắc vàng khi tìm kiếm nhân viên:
1. Cần thái độ chứ không phải tài năng
Khi phải thuê thêm nhân viên, mọi người thường cảm thấy lo lắng. Như chúng ta đã đọc ở Chương 12 về marketing du kích, khi đối mặt với việc mua bán mạo hiểm, thường thì mọi người không tìm kiếm cái nào tốt nhất, mà họ sẽ tìm cái nào ít xấu nhất. Hãy tìm lại viễn cảnh sau:
Bạn có cảm giác thú vị với ai đó trong cuộc phỏng vấn và thật sự bị ấn tượng từ thái độ có thể làm mọi việc của họ. Tuy nhiên, họ không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Rồi một nhân viên cũ của công ty đối thủ tới. Anh ta trả lời phỏng vấn không tốt lắm và có vẻ hơi chậm chạp, nhưng anh ta có bằng cấp và hơn tất cả, đối thủ của bạn đã thuê anh ta…
Đừng làm điều đó! Hãy tin tưởng vào cảm nhận của bạn.
Hãy nhớ, bạn có thể nhanh chóng đào tạo mọi người với hầu hết các kỹ năng. Điều đó rất gần với việc không thể thay đổi thái độ của một ai đó. Nếu họ là người gắt gỏng và tiêu cực, thái độ sẽ lan truyền đến toàn bộ công ty và khách hàng của bạn.
2. Không nên thuê bản sao của mình
“Là một doanh nhân, tôi có xu hướng là sẽ bỏ qua những thứ khiến tôi không thích để tập trung vào những thứ mới mẻ.” (Al, công ty đào tạo)
Hiển nhiên là bạn cần những người mới bắt đầu và nhân viên bán hàng, song bạn cũng cần phải có số lượng tương tự những người biết hoàn thành công việc trong văn phòng để có thể đáp ứng những lời hứa mà những nhân viên “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật” đưa ra.
Nếu bạn là người hướng ngoại, bạn thường có xu hướng thuê những người hướng ngoại khác xung quanh mình. Điều này có thể là nguy hiểm thật sự với doanh nghiệp của bạn. Theo một tư vấn viên thuê nhân viên:
Trong doanh nghiệp, xung quanh bạn không thể chỉ là những con người náo nhiệt – bạn cần nhiều người chín chắn, giản dị – những người sẽ thật sự làm việc.
Như vậy là bạn không thể chịu trách nhiệm trong tất cả mọi lĩnh vực. Cho dù doanh số của bạn lớn thế nào, nếu ai đó không kiểm tra chất lượng hoặc theo đòi những hóa đơn thanh toán quá hạn thì sớm muộn bạn cũng sẽ phá sản.
Làm thế nào tìm thấy nhân tài
Nhân viên tiềm năng của bạn là một trong những đầu tư quan trọng nhất bạn có. Bạn cần dành thời gian để chắc chắn tìm đúng người.
Bạn cần tiếp cận cách này chính xác như cách bạn muốn phát triển thị trường.
Bắt đầu với người bạn biết. Hãy hỏi bạn bè và gia đình. Có thể tặng quà cho những người đã giới thiệu được một nhân viên tốt. Tuy nhiên, đừng dừng lại ở đó chỉ vì nó rẻ và an toàn. Nếu bạn tìm không đúng người, vấn đề sẽ ngược lại.
Tiếp cận với các doanh nghiệp địa phương, văn phòng nghề nghiệp hay các tổ chức tương tự. Họ có thể có chương trình giới thiệu việc làm hữu ích cho bạn.
Hãy linh hoạt. Bạn có thể tìm được những ứng viên xuất sắc trong các nhóm như sinh viên mới tốt nghiệp, phụ nữ đi làm sau khi sinh hay những người nghỉ hưu đang tìm việc. Bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn với sự cống hiến và nhiệt tình của họ.
Hãy giữ liên lạc với các đối thủ, và đặc biệt là nhân viên của họ.
Cân nhắc việc đăng quảng cáo, nhưng cũng đừng tìm những sự lựa chọn hiển nhiên. Nếu bạn đang tìm kiếm một nhân viên trẻ và năng động, các cuốn hướng dẫn của những công ty giải trí địa phương có thể có ích cho bạn và lại rẻ hơn đăng quảng cáo trên báo. Đồng thời nên tìm kiếm trên các trang web việc làm.
Luôn tìm kiếm. Nếu bạn có trang web, hãy cung cấp chi tiết về người tuyển nhân sự. Đồng thời, hãy giữ những CV cũ – các ứng viên này cũng đáng để giữ liên lạc.
Bí mật doanh nhân: Thận trọng khi thuê bạn bè và người thân
Rất có thể bạn muốn làm theo cách này. Bạn nghĩ mình biết họ, sẽ tiết kiệm trong việc phỏng vấn và đăng quảng cáo, bạn có thể luôn tươi cười cũng như có thể giúp họ làm những công việc nhàm chán.
Nhưng đầu tiên, việc này khiến họ cảm thấy mình không có giá trị. Từ thời điểm họ đi vào phòng, họ có thể nghĩ: “Cô ấy thuê mình vì mình là bạn”. Bạn sẽ có ít thời gian tán gẫu với bạn bè hơn. Hãy nghĩ đến việc sẽ phải nghiêm khắc với họ khi họ không làm được việc?
Nếu bạn quyết tâm làm điều này, bạn cũng cần phải thông qua một quy trình phỏng vấn chính thức và cân nhắc những ứng viên khác.
Quy trình phỏng vấn
Phương pháp: Mẫu phỏng vấn dưới đây sẽ giúp bạn tiến hành các cuộc phỏng vấn thành công. Các mẫu này cũng có trên trang www.fromacorns.com
Bước một: Viết một bản miêu tả công việc. Khi làm điều này, hạn chế liệt kê những nhiệm vụ mà người đó phải làm mà hãy nghĩ về thái độ làm việc mà họ phải có. Nếu họ phải phục vụ khách hàng trong cửa hàng bánh sandwich của bạn, hãy miêu tả tính cách thân thiện cởi mở quan trọng hơn kỹ năng chế biến đồ ăn. Ngược lại, nếu cần người giám sát quy trình sản xuất thì khả năng chú ý đến chi tiết quan trọng hơn việc bạn có ấn tượng tốt với họ. Những thái độ khác để cân nhắc là khả năng làm việc dưới áp lực, liệu họ có năng nổ và bạn không cần phải để mắt liên tục, liệu họ có phù hợp với “văn hóa” công ty của bạn không.
Bước hai: Trước buổi phỏng vấn, hãy suy nghĩ và viết ra những câu hỏi giúp ứng viên trở nên cởi mở hơn. Bạn cần phải có những câu hỏi mở như:
“Bạn thích môi trường làm việc như thế nào?”
“Điểm gì bạn thích và không thích nhất trong công việc trước đây?”
“Loại công việc nào bạn thích làm trong năm/mười năm tới?”
Nếu bạn hỏi: “Anh có đáng tin không?”, chỉ có kẻ ngốc mới trả lời “Không”.
Bước ba: Phỏng vấn. Mục tiêu của bạn là làm cho ứng viên cảm thấy thoải mái và không bị căng thẳng. Điều này không phải chỉ là việc phải cư xử “lịch sự”. Bạn muốn họ càng tự nhiên càng tốt, như vậy bạn có thể có được cái nhìn chính xác họ là người thế nào.
Đồng thời, cần nhớ nếu đây là một buổi tuyển dụng có tiềm năng tốt, bạn cần phải bán hàng cho họ. Dành chút thời gian đầu buổi phỏng vấn để giới thiệu cho họ về công ty và nói cho họ biết tầm nhìn kinh doanh của mình.
Ngoài việc phỏng vấn, bạn cũng có thể cho họ làm một bài kiểm tra. Ở một số vị trí kỹ thuật cao, bạn cần phải kiểm tra kỹ năng của họ. Nó cũng cho bạn cơ hội nhìn thấy phong cách làm việc của họ.
Bước bốn: Ngay sau buổi phỏng vấn, hãy tiến hành đánh giá người đó. Bạn sẽ dễ dàng quyết định theo cảm quan của mình, do đó bạn cần phân tích bảng tính điểm và hãykhách quan tính theo thang điểm 10 về thái độ và tài năng của họ. Sau đó, bạn có thể cân nhắc tầm quan trọng của họ đối với bạn.
Bước năm: Hãy hỏi những người giới thiệu và nghe theo họ. Bởi vì hoặc là mọi người không thể tìm được người giới thiệu; hoặc người mà bạn liên lạc có thể không mấy nhiệt tình.
Miêu tả công việc | Nhân viên bán hàng |
Người phỏng vấn | Jennifer Hopeful |
Thái độ cần có | Thân thiện và thích làm việc với mọi người Đáng tin cậy: đến đúng giờ Kinh nghiệm bán hàng Nhiệt tình: biết chia sẻ công việc |
Ghi chú | |
Mức điểm 10 | Thân thiện Đáng tin cậy Kinh nghiệm Nhiệt tình |
Làm thế nào trở thành ông chủ tốt
1. Trao quyền
Một nhiệm vụ nặng nề và quan trọng mà bạn phải đối mặt trong việc gây dựng doanh nghiệp là giao quyền. Ở đây không có bí quyết kỳ diệu cho vấn đề này.
Nghe thật buồn và đáng sợ – nhưng rồi bạn sẽ phải trao quyền.
Cha của một người bạn tôi gây dựng một doanh nghiệp lớn với nhiều nhân viên và thành công trong hoạt động bán lẻ. Bạn tôi cùng vợ mới cưới bay từ Mỹ sang Anh để dành hai ngày nghỉ với cha nhưng cứ 5 phút ông lại có một cuộc gọi của nhân viên hỏi về những vấn đề rất lặt vặt như chọn màu thảm.
Hãy tưởng tượng bạn đang quan sát một nhân viên bán hàng phục vụ khách. Bạn thấy không hài lòng, vậy là bạn tiến đến và tự làm. Với cách làm như vậy, bạn đã khiến bản thân hài lòng với công việc và công việc diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên bạn lại:
Khiến nhân viên đó nản chí hoàn toàn. Hành động đó cũng giống như nói với họ là bạn không tin tưởng họ.
Chỉ cho họ thấy họ không cần phải tự đưa ra quyết định hay chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.
Cho khách hàng thấy bạn không tin tưởng nhân viên của mình (vậy thì việc gì họ phải tin tưởng?).
Và ai nói rằng cách của bạn là đúng?
Nếu bạn giao hoàn toàn trách nhiệm (chứ không phải là nhiệm vụ), nhân viên của bạn sẽ cảm thấy tự tin và có động lực hơn. Họ sẽ kiểm soát toàn bộ lĩnh vực kinh doanh đó và giúp bạn có sự tự do.
Cha tôi đã cho tôi lời khuyên tuyệt vời mà tôi chưa thật sự hiểu khi mới nghe lần đầu (rõ ràng đây là câu của Voltaire):
Nếu bạn bị quá tải bởi mọi công việc mà bạn và nhân viên của bạn làm hoàn hảo, vậy thì bạn có thể bị lỡ nhiều cơ hội tuyệt vời khác.
Một độc giả, Al, có gửi tôi lời trích dẫn từ Tướng Patton1 mà có thể đặt vào bối cảnh này (vì “chiến tranh” được chuyển thành “kinh doanh”):
Cái tốt nhất là kẻ thù của cái tốt.
“Đừng trì hoãn. Cái tốt nhất là kẻ thù của cái tốt. Ý tôi là một bản kế hoạch tốt ngay bây giờ có cơ hội để hoàn thiện hơn là một bản kế hoạch hoàn hảo của tuần sau. Chiến tranh là một điều đơn giản, và những cá nhân quyết tâm là những người tự tin, mau lẹ và táo bạo. Không tính cách nào trong số này có thể đạt đến độ hoàn hảo, nhưng tất cả đều có thể đạt đến mức tốt.”
2. Thưởng cho nhân viên
Đôi khi những phần thưởng tuyệt vời nhất lại không phải là tiền. Bằng cách tham gia một doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển, một người sẽ có cơ hội thu được nhiều trách nhiệm, kinh nghiệm, sự công nhận, sự linh hoạt, sự đa dạng, đào tạo và không gian để phát triển hơn là trong một doanh nghiệp lớn. Điều này cũng có nghĩa là bạn không phải trả cho họ nhiều như những đối thủ lớn.
Nên chia sẻ thành công với họ trong kinh doanh, có thể là theo hình thức thưởng cuối năm hoặc một bữa tiệc, hoa hồng bán hàng hay thậm chí là cổ phần trong doanh nghiệp.
3. Nói chuyện với nhân viên
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng lại ít người thực hiện. Trong lịch làm việc của bạn, ít nhất sau sáu tháng bạn cần phải có một cuộc nói chuyện với mỗi nhân viên. Đây là cơ hội để họ nói về những gì đã làm được, những lĩnh vực họ muốn cải thiện, phát triển hay có nhiều vấn đề cần đào tạo. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để lắng nghe về những cảm nghĩ của họ trong công việc kinh doanh và những lĩnh vực bạn nên cải thiện.
4. Truyền cảm hứng cho nhân viên
Nếu bạn muốn làm một con thuyền, đừng để tất cả mọi người mang gỗ đến, hãy chia công việc và đưa ra mệnh lệnh. Hãy truyền cho họ lòng khát khao vươn ra biển lớn mênh mông. (Antoine de Saint- Exupéry, The Wisdom of the Sands (Sự khôn ngoan của bãi cát)).
Bằng cách chia sẻ tầm nhìn mạnh mẽ, đầy thuyết phục cùng niềm đam mê, bạn có thể có được sự tự nguyện của những người theo bạn. Các nhà tư vấn quản lý của McKinsey2 nói về “nguyên tắc hoa hướng dương” – khi mà tất cả những người đứng đầu trong doanh nghiệp đều hướng về người lãnh đạo truyền cảm hứng.
Và nếu bạn là người may mắn, đây có thể là phần bù trừ cho tính thiếu kiên nhẫn, vô tổ chức, thiếu khả năng phân chia công việc và nhận thức, không đáng tin cậy, v.v… của bạn.
Khi nhân viên xin thôi việc
Điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Lần đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy như mình bị đá vậy.
Nhân viên đầu tiên của tôi rời đi chỉ sau năm ngày làm việc để chuyển sang làm một công việc được trả lương cao hơn. Cả một tuần sau đó, tôi thao thức suốt đêm để tự vấn bản thân: “Liệu mình có nói điều gì sai? Liệu mình có nên cố gắng hơn nữa?”
Hãy nhớ, đó có thể không phải là lỗi của bạn. Hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân chính xác của việc này, và đừng để nó xảy ra với người tiếp theo. Đồng thời, cố gắng để cho họ ra đi thoải mái, vui vẻ.
Tuyển dụng những nhân viên bán hàng “khỉ đầu chó”
Nếu kinh doanh là vương quốc động vật, thì nhân viên bán hàng là những chú “khỉ đầu chó”. Họ mạnh mẽ, tò mò, láu lỉnh và dành nhiều thời gian đi vòng quanh với những bước dài, ưỡn ngực tự đắc, tự thán phục những cái mông đỏ của nhau.
Những nhân viên kiểu này có thể khiến nhà tuyển dụng khó chịu. Họ có thể xấc láo, cường điệu, thô lỗ, tham lam, kiêu ngạo và thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, nếu thiếu họ, công việc kinh doanh của bạn không bao giờ phát triển.
Một người bán hàng làm việc rất thành công cho một công ty xuất bản và sau một thời gian, anh ta được tặng một chiếc ôtô Porsche. Ngay sau đó, anh ta cảm thấy chán và nói với ông chủ mình muốn một chiếc Lamborghini. Sau cơn choáng váng, họ mua cho anh ta chiếc xe đó. Họ dẫn anh ta đến bãi đỗ xe để đưa chiếc xe mới và đổi chìa khóa chiếc Porsche. Anh ta nói: “Ai nói là ‘đổi’?” Vì kiêu hãnh, họ để anh ta ra đi. Người này nhanh chóng rời công ty và cùng gây dựng một công ty mới có giá trị 10 triệu bảng.
Tuy nhiên, rất khó có thể thuê và khích lệ những nhân viên bán hàng giỏi.
1. Tìm kiếm những nhân viên bán hàng giỏi
Nếu là nhân viên bán hàng giỏi, họ sẽ làm việc tốt ở một vị trí tốt. Nếu họ đang ở một thị trường mở, hoặc đang tiếp cận bạn thì sẽ cần có những hồi chuông cảnh tỉnh cho bạn.
Cũng giống như việc tìm khách hàng mới, một cách hay để tìm được nhân viên bán hàng đó là tìm sự thay đổi. Ví dụ như họ có thể chuyển đến một vị trí mới, công việc kinh doanh của họ thay đổi hay họ quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh con.
Bạn có thể lôi kéo họ khỏi công việc hiện tại bằng cách khác. Có thể họ thích bán sản phẩm của bạn hơn là việc phải tìm kiếm trên mục rao vặt. Có thể họ đang tìm kiếm thêm kinh nghiệm và trách nhiệm. Tôi sẽ không thoái thác một người mới vào nghề làm việc tốt – hãy nhớ, bạn đang tìm kiếm một người có thái độ tích cực. Bạn có thể dạy họ làm việc nhanh chóng.
Cũng có thể họ đang tìm kiếm cổ phần trong kinh doanh của bạn. Tôi không phải lảng tránh điều này – xét cho cùng, thà có 75% của một doanh nghiệp có giá trị 1 triệu bảng hơn là 100% của một doanh nghiệp 250 nghìn bảng. Tuy nhiên, hãy chắc chắn họ kiếm được khoản tiền đó – đặt mục tiêu doanh số mà hoa hồng của họ có thể được đổi bằng cổ phần.
2. Phỏng vấn
Về bản chất, nhân viên bán hàng là những người giỏi thuyết phục, vì vậy họ sẽ thể hiện mình rất tốt trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, điều bạn tìm kiếm đó là một người có thể liên tục nhấc máy điện thoại và chào hàng những mối làm ăn mới cho bạn. Phẩm chất đó sẽ khó đánh giá trong buổi phỏng vấn.
Hãy hỏi một số thành công của họ trong công việc trước đây. Hãy tìm ra khoản thưởng mà họ có được. Mark, một doanh nhân bán hàng kinh nghiệm, cho tôi lời khuyên:
Hãy hỏi họ những phiếu lương cuối cùng của công việc gần đây – điều đó sẽ chứng minh thành công của họ. Hãy nói cho họ biết bạn sẽ liên lạc với người giới thiệu, do vậy họ sẽ không thể bịa chuyện được. Cuối cùng, tôi luôn luôn ghi âm lại buổi phỏng vấn. Tôi thấy cách này khiến họ thận trọng hơn về việc họ có thể phóng đại khả năng của mình bởi sẽ có băng ghi âm lại những gì họ đã nói.
Bạn cũng có thể tạo bài kiểm tra là một cuộc gọi chào hàng, hoặc thử một số bài kiểm tra đo tinh thần.
Nếu họ là một ứng viên tuyệt vời nhưng họ lại không định từ bỏ công việc hiện tại vì họ đang làm rất tốt (đây là tín hiệu tốt), Mark đã đưa ra lời khuyên sau:
Tôi gọi điện đến một chi nhánh bán ôtô địa phương và bảo họ đem một chiếc ôtô mới đến để chào hàng. Khi kết thúc buổi phỏng vấn, tôi đi đến chỗ họ và nói: “Đây là giải pháp cho vấn đề này nếu bạn ký hợp đồng với chúng tôi ngày hôm nay.” Nó cho thấy chúng tôi rất nghiêm túc, nó giúp chúng tôi kết thúc giao dịch, và cũng không đắt đỏ lắm: một chiếc ôtô thuê với giá 300 bảng một tháng. Số tiền này không là gì so với những gì một nhân viên bán hàng giỏi mang lại.
3. Thưởng và động viên
Tiền không bao giờ gây khó chịu.
Hãy chắc chắn việc trả lương phải phù hợp với thành tích của họ, có thể lương cơ bản thấp, nhưng có hoa hồng cao theo doanh số bán hàng. Hoa hồng nên tăng dần, khi họ bán được nhiều hơn thì tỷ lệ hoa hồng cũng tăng lên.
Doanh số có thể thu được chút ít khi mới bước vào nghề, do vậy bạn cần tìm kiếm những bằng chứng cho thấy họ đang làm đầy phễu bán hàng: các cuộc hẹn gặp đã được ấn định và các mối bán hàng đang tiến triển. Bạn có thể sử dụng mẫu về phễu bán hàng trên trang web www.fromacorns.com.
Nếu họ đang làm việc, tôi sẽ không làm họ khó chịu bằng việc buộc họ phải đến đúng giờ. Tôi cũng có thể mua cho họ những món hàng nhỏ xinh xắn để khiến họ cảm thấy thích thú. Tất nhiên là tôi cũng không để những nhân viên khác nhìn thấy các món hàng này.